Đổi mới sáng tạo mở: Cơ hội và Thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo” được đề cập đến khá phổ biến trong hơn thập niên vừa qua. Mọi công ty, tổ chức đều được khuyến khích đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được các cơ hội và cả những thách thức mà đổi mới sáng tạo đặt ra.

1. Khái niệm về đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo và Đổi mới sáng tạo mở

Để đưa ra định nghĩa “Đổi mới sáng tạo Mở”, ta cần nhắc lại khái niệm “Đổi mới sáng tạo”. Theo đó, đổi mới sáng tạo được hiểu là quy trình biến một ý tưởng hoặc phát minh thành hàng hóa hoặc dịch vụ tạo ra giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó (Theo Business Dictionary).

Cũng như nhiều khái niệm khác, “Đổi mới sáng tạo Mở” - OI (Open Innovation) là khái niệm không có tính chính xác tuyệt đối khi nó đang trong quá trình tự tiến hóa, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Bắt đầu từ khái niệm của GS. Henry Chesbrough, khi đó là trợ lý giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard ở Boston, khái niệm này được diễn giải lần đầu vào năm 2003 trong tác phẩm Kỷ nguyên của Đổi mới sáng tạo Mở của ông. Theo đó, các công ty đang ngày càng suy nghĩ lại những cách thức họ tạo ra các ý tưởng và mang chúng tới thị trường - khai thác các ý tưởng bên ngoài, hoặc tận dụng nghiên cứu và phát triển trong nội bộ về những vấn đề nằm ngoài các hoạt động hiện hành của doanh nghiệp.

Nói một cách khác, đổi mới sáng tạo mở là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty khai thác được các nguồn đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa, hoặc phát hành kết quả ĐMST phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty nhưng có thể được sử dụng hiệu quả ở đâu đó.

Như vậy, ĐMST Mở được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, chức trách nhà nước hay công dân. Do vậy, ĐMST không thay thế cho quy trình ĐMST Truyền thống (ĐMST Đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp đỡ các công ty luôn cập nhật được với xu thế công nghệ mới nhất, giúp đỡ giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm.

Các nguyên tắc tương phản giữa ĐMST Đóng và Mở

Nguyên tắc của ĐMST Đóng

Nguyên tắc của ĐMST Mở

Những nhân lực giỏi trong lĩnh vực này đều làm việc cho công ty.

Không phải tất cả những người thông minh đều làm việc cho công ty; cần phải làm việc với cả những người thông minh ở trong và ngoài công ty.

Để thu lợi từ nghiên cứu và phát triển (R&D), công ty phải tự làm tất cả từ việc phát hiện, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm đến tận nơi.

Việc mở rộng R&D ra bên ngoài có thể tạo ra giá trị đáng kể. Các hoạt động R&D nội bộ vẫn cần thiết để đòi hỏi quyền lợi tại một vài phần trong giá trị đó.

Nếu công ty tự phát hiện ra thì họ sẽ là người đầu tiên đưa nó ra thị trường.

Công ty không cần phải là người khởi xướng nghiên cứu để có thể thu lợi từ nó.

Công ty đầu tiên đưa sản phẩm ĐMST ra thị trường sẽ là kẻ chiến thắng.

Công ty xây dựng được mô hình kinh doanh tốt hơn sẽ giành được nhiều lợi ích hơn so với việc đưa sản phẩm ra thị trường trước tiên.

Nếu công ty tạo ra được hầu hết các ý tưởng tốt nhất về ĐMST trong ngành thì họ sẽ là kẻ chiến thắng.

Nếu công ty tạo lập được thị trường cho những ý tưởng tốt nhất từ bên trong và bên ngoài công ty thì họ sẽ là kẻ chiến thắng.

Công ty phải kiểm soát các tài sản trí tuệ (IP) để các đối thủ cạnh tranh không thể hưởng lợi được từ ý tưởng của họ.

Công ty nên thu tiền từ việc kẻ khác sử dụng tài sản trí tuệ của họ, cũng như nên mua các tài sản trí tuệ của bên khác nếu.

Hình 1: Sự tương phản các nguyên tắc của ĐMST Đóng và Mở

 

Cơ chế của ĐMST Mở

Cơ chế của ĐMST Mở gồm 2 vấn đề cơ bản: Cơ chế ĐMST từ ngoài vào và cơ chế ĐMST từ trong ra.

Cơ chế ĐMST từ trong ra ngoài có thể hiểu là việc các công ty đưa những ý tưởng chưa được sử dụng và chưa tận dụng hết ra bên ngoài tổ chức, cho phép doanh nghiệp khác sử dụng trong mô hình kinh doanh của họ.

Cơ chế ĐMST từ ngoài vào đặc trưng tất cả các hoạt động tìm nguồn cung ứng công nghệ bên ngoài (startup, chuyên gia, các viện đào tạo,…) nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp.

 

Hình 2: Cơ chế của ĐMST Mở (Nguồn: Ủy ban Châu Âu (EC), 2016)

Nền tảng ĐMST Mở

Ngày nay, không chỉ các nghiên cứu về chủ đề mở phát triển theo cấp số nhân, mà các hình thái của ĐMST mở thường xuyên được nghiên cứu và tận dụng để tìm kiếm, chỉnh sửa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nội bộ doanh nghiệp nhiều ngành khác nhau. Trong đó, nền tảng Đổi mới Mở (OIP) là một nền tảng trực tuyến giúp chủ thể sở hữu vấn đề (doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, chính phủ) tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại của họ bằng cách kết nối họ với những cá nhân, nhóm có thể giải quyết vấn đề (nhóm khởi nghiệp ĐMST).

Cơ chế cơ bản của nền tảng ĐMST được bắt đầu từ việc các công ty lớn phát hiện nhu cầu trong thị trường; sau đó, thay vì nghiên cứu và phát triển ý tưởng trong nội bộ, doanh nghiệp đi tìm các nguồn ý tưởng ĐMST ở bên ngoài, đặc biệt là từ doanh nghiệp KN ĐMST và các công ty nhỏ và vừa, nhằm tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo và đột phá hơn. Đây là cơ hội để họ phát triển những sản phẩm mới và đáp ứng chính xác nhu cầu thị trường.

2. Tính cấp thiết của việc xây dựng một nền tảng ĐMST mở tại Việt Nam

Theo báo cáo của World Bank, mặc dù khu vực Đông Á là cái nôi của nhiều nhân vật nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhưng dữ liệu từ báo cáo rằng cho thấy trừ trường hợp Trung Quốc, các nước trong khu vực đổi mới sáng tạo ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. Và khu vực này đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới.

Chuyên gia kinh tế Xavier Cirera, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết, bên cạnh một số ví dụ đáng chú ý, đại đa số các công ty tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á hiện không tìm tòi đổi mới. Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng - hỗ trợ một lượng lớn các công ty áp dụng các công nghệ mới, đồng thời cho phép các công ty đã đạt trình độ phát triển cao thực hiện các dự án đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn.

Lợi ích của nền ĐMST Mở

Đối với từng chủ thể trong hệ sinh thái, nền tảng ĐMST mở mang lại những lợi ích khác nhau.

Đối với Chính phủ, nền tảng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong Hệ sinh thái, cụ thể hơn, đó là việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp, làm ra một môi trường mà trong đó các doanh nghiệp liên kết giúp đỡ nhau, cổ vũ cho sự phát của công nghệ.

Đối với Công ty, đây là không chỉ cơ hội để họ tìm ra các giải pháp hữu dụng cho những vấn đề hiện tại mà còn là nơi để họ tìm ra khả năng hợp tác với những chủ thể khác trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).

Đối với các Doanh nghiệp KNĐMST hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường. Trong đó, ta phải kể đến những lợi ích như: cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và các khách hàng tiềm năng, những buổi đào tạo đến từng các chuyên gia giàu kinh nghiệm và trên hết là những hợp đồng và cơ hội hợp tác (nếu họ giải quyết và giành chiến thắng thử thách đề ra).

Những mô hình nền tảng ĐMST Mở thành công trên thế giới

P&G Connect + Develop: Nền tảng do khối tư nhân phát triển

Lý do hình thành nền tảng Connect + Develop của P&G đến từ việc doanh số bán hàng của họ liên tục giảm trong những năm 1990. Công ty nhận ra rằng việc phải lắng nghe bên ngoài để có những đổi mới trong một thị trường cạnh tranh cao và biến động nhanh là vô cùng cần thiết. Nếu có một ý tưởng hoặc công nghệ mới nhiều tiềm năng, P&G sẽ làm việc cùng với người tạo ra ý tưởng để phát triển nó thành một sản phẩm có thể bán được trên thị trường.

Connect + Develop là cách tiếp cận của Procter và Gamble (P & G’s) để nghiên cứu và phát triển kết nối với bên ngoài. Trang web Connect + Develop hoạt động như “cánh cửa đến với thế giới” của công ty, cho phép các ý tưởng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới được gửi đến. Đây là một không gian giải quyết vấn đề mở vì tại đây, bất kỳ chủ thể nào cũng có thể giải quyết những thách thức mà P&G đề ra hoặc thậm chí họ có thể đề xuất những thách thức mới. Ngoài ra, đây cũng là một cổng thông tin để khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và P&G nhờ vào việc tìm ra các cách tiếp cận vấn đề mang tính khả thi và có nhiều khả năng thành công.

Trong đó, sẽ có một nhóm phụ trách quá trình gửi ý tưởng đến nền tảng và quản lý các mối quan hệ với các bên tham gia. Ngoài ra còn có một nhóm xem xét và đánh giá mọi ý tưởng được gửi qua trang web. Bất kỳ ai trên toàn thế giới đều có thể gửi ý tưởng thông qua trang web, bao gồm các công ty lớn khác, công ty nhỏ và vừa, doanh nhân, học viện và nhóm nghiên cứu.

Việc tham gia nền tảng được đánh giá là mang lại rất nhiều lợi ích cho nhiều bên, nhất là khi P&G là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Trong công ty có rất nhiều dữ liệu liên quan đến việc phát triển và tiếp thị các sản phẩm với các thương hiệu thành công như Pampers, Ariel và Tide. Do đó, việc cộng tác với công ty có thể mang lại lợi ích lớn cho một công ty nhỏ hoặc nhà phát minh. Đối với nhà phát triển hoặc Chủ sở hữu nền tảng Procter and Gamble, họ hưởng lợi rất lớn từ hơn 20 ý tưởng gửi đến trang web của họ mỗi ngày trong tuần, cung cấp giải pháp cho nhu cầu mà họ đề ra trên trang web. Điều này cho phép họ tiếp cận với các công nghệ mới và các ý tưởng mới từ người dùng.  Đối với người tham gia, lợi ích cho người tham gia P&G là rất lớn vì họ có thể đưa ra nhiều các ý tưởng khác nhau. Nếu một ý tưởng không phù hợp với bất kỳ danh mục nhu cầu nào, P&G vẫn sẽ chấp nhận và đánh giá ý tưởng đó. Công ty toàn cầu này có một kho kiến ​​thức rộng lớn về nghiên cứu, tiếp thị, phân phối, bán hàng; dữ liệu về người tiêu dùng và sản xuất mà đối tác có thể khai thác. Nếu ý tưởng phù hợp, P&G sẽ đề nghị hợp tác và hướng tới lợi ích đôi bên. Trong hơn 10 năm kể từ khi ra mắt, chương trình Connect + Develop đã phát triển hơn 2.000 quan hệ đối tác toàn cầu, cung cấp hàng chục sản phẩm đột phá cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo và tăng năng suất, cho cả P&G và các đối tác của nó.

Một ví dụ rất thành công là kem chống lão hoá ‘Olay Regenerist’, bắt đầu với một Công ty của Pháp, Sederma, chia sẻ công nghệ sửa chữa vết thương của họ với P&G và cùng nhau phát triển loại kem này. Olay Regenerist trở thành công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu, vượt qua những loại kem đắt tiền nhất.

GE

GE là một trong những công ty hàng đầu thực hiện các mô hình đổi mới sáng tạo mở. Họ tập trung vào sự hợp tác giữa các chuyên gia, doanh nhân trẻ, sinh viên từ khắp mọi nơi để chia sẻ ý tưởng và giải quyết vấn đề. Dự án Ecomagination đổi mới của họ, nhằm giải quyết những thách thức về môi trường thông qua các giải pháp sáng tạo, đã được GE chi 17 tỷ USD cho R&D và nhận được tổng doanh thu là 232 tỷ USD trong thập kỷ qua. Thông qua những thách thức này, GE làm quen với những tài năng tiềm năng trong tương lai.

Ví dụ: Unimpossible Missions: The University Edition nhắm đến tìm ra các sinh viên sáng tạo, có trình độ kỹ thuật nhất định. Thông qua thử thách này, GE đặt mục tiêu có được ba sinh viên thông minh và sáng tạo đến thực tập tại GE.

Một ví dụ khác là dự án của GE - First Build, một nền tảng hợp tác đồng sáng tạo, kết nối các nhà thiết kế, kỹ sư và nhà tư tưởng để chia sẻ ý tưởng với các thành viên khác, để họ có thể thảo luận cùng nhau. Đây là một trong những mô hình đổi mới sáng tạo mở nhằm cung cấp một nền tảng có thể giúp các cá nhân bên ngoài và bên trong hợp tác chia sẻ ý tưởng và sản xuất để đạt được những ý tưởng đổi mới cho sản phẩm và dịch vụ.

Local Motors

Local Motors bắt đầu với cộng đồng ĐMST mở thông qua nền tảng Co-Create. Các phương tiện giao thông được thiết kế sau đó được sản xuất thông qua công nghệ in 3D.

Phần quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm của Local Motors là nền tảng đổi mới sáng tạo hoàn toàn mở của họ. Thậm chí không cần phải đăng ký vào trang web nền tảng của họ để xem các thiết kế mới mà cộng đồng đã thực hiện.

Giống như hầu hết các công ty đổi mới mở khác, các đổi mới được hình thành thông qua các thách thức đổi mới sáng tạo mở, như thách thức LITECAR.

Vào năm 2015, Local Motors đã có một cuộc thi mang tên Urban Mobility Challenge: Berlin 2030, với mục đích là hình dung ra tương lai của giao thông vận tải ở Berlin. Một năm sau, một trong những giải pháp giao thông trong khuôn khổ thử thách đã được mang vào thực tiễn. Một trong những sản phẩm được biết đến nhiều nhất của Local Motors Co-Creation là Olli, xe buýt thông minh tự lái.

Ngoài khả năng tự lái, Olli còn sử dụng thông qua điện thoại của người dùng. Người dùng có thể chọn các tuyến đường của mình thông qua Olli hoặc thậm chí tạo các tuyến đường mới. Olli không chỉ là một hình dung nào đó về tương lai xa xôi, nó đã thực sự xuất hiện trên các đường phố của Washington D.C.

Giống như các thiết kế khác, Olli đã được phát triển thông qua nền tảng Co-Creation. Trên thực tế, có thể xem các cuộc trò chuyện và ý tưởng mà cộng đồng đã đăng ở đó. Trang web thậm chí còn được phát triển liên tục: Hiện tại, họ đang tìm kiếm các giải pháp trong việc cải tiến giao diện toàn cầu.

Nền tảng ĐMST Mở của Singapore

Với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số để tận dụng các cơ hội mới cho nền kinh tế, Chính phủ Singapore nhận thấy cần phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông thông tin (ICM). Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin Singapore (IMDA), với tư cách là cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực ICM, nỗ lực tìm cách thúc đẩy hàm lượng đổi mới và nâng cao năng lực của các công ty, đảm bảo rằng họ sẽ có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Mặt khác, công nghệ cũng làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, kéo theo nhu cầu giải quyết các vấn đề liên ngành mang tính chất đa lĩnh vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty mới thành lập không có đủ nguồn lực, công nghệ và chuyên môn để đổi mới và giải quyết những vấn đề như vậy. Không chỉ vậy, các công ty nhỏ hơn lại gặp vấn đề trong việc tìm đối tác để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo. Trong bối cảnh đó, IMDA đã phát triển Nền tảng đổi mới sáng tạo mở (OIP) – một nền tảng tìm kiếm các giải pháp từ cộng đồng, hợp tác xây dựng các giải pháp mới giải quyết các vấn đề kinh doanh thực tế.

Về phía cung ứng, IMDA làm việc với các công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, các nhà nghiên cứu và các cá nhân khác. Ngoài ra, IMDA cũng làm việc với Viện nghiên cứu (RIs) và Viện nghiên cứu đại học (IHL) để khai thác chuyên môn nghiên cứu nếu có liên quan. Về phía nhu cầu, “chủ sở hữu vấn đề” bao gồm hiệp hội thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan chính phủ và công ty công nghệ. Thông qua OIP, các “chủ sở hữu vấn đề” sẽ có thể khai thác một mạng lưới những công ty, chuyên gia tài năng để giải quyết những thách thức và vấn đề kinh doanh của họ. Việc này giúp đẩy nhanh quy trình giải quyết vấn đề và tăng cơ hội tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn.

Với quan điểm đó, IMDA đưa ra ba cấp độ cho các thách thức về ĐMST mở: cấp doanh nghiệp, cấp lĩnh vực và cấp toàn cấp. Sau thời gian triển khai, sáng kiến nền tảng ĐMST mở của IMDA cũng đã ghi nhận những thành công nhất định. Hơn 123 thử thách đã được đưa ra trên nền tảng trên, với 27 giải pháp được thử nghiệm. Tổng số lượng giải thưởng dành cho các đội thi cũng lên đến 3.2 triệu đô la, trong đó có 630.000 đô la là số vốn được cung cấp cho các đội.

Trong số các thử thách được cung cấp trên nền tảng, phải kể những điển hình thành công như thử thách “Panasonic Deep Tech Innovation Challenge” tổ chức bởi tập đoàn Panasonic, ICMG và ACE. Thử thách là nỗ lực của Panasonic để tìm kiếm và cộng tác với các doanh nghiệp nội địa, nhằm đưa đến những phát kiến có tính xã hội. Các công nghệ trong thử thách bao gồm công nghệ Cảm biến mùi của Panasonic và công nghệ Cảm biến khí qua da của Panasonic. Sau mùa đầu tiên, thử thách đã thu hút được 32 hồ sơ và chọn ra 2 người chiến thắng. Cụ thể, Cogniant.co là nền tảng theo dõi bệnh nhân từ xa, đặc dụng cho các bệnh mãn tính. Cogniant.co sử dụng phân tích hành vi để theo dõi kết quả và giúp người sử dụng phòng ngừa các bệnh này. Tham gia thử thách, Cogniant.co có cơ hội đồng hành cùng Panasonic để đồng tạo ra các phép đo mức độ căng thẳng thông qua dữ liệu sức khỏe.

3. Kết luận

Hiện nay, nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Việc chỉ dựa vào nguồn lực trong công ty không còn phù hợp để họ có thể dễ dàng bắt kịp với các thay đổi, đổi mới hiện nay. Do vậy, nhu cầu tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Trong đó, một trong những hình thái của ĐMST mở, nền tảng ĐMST mở, là một trong những mô hình mang tính hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Nền tảng không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp KNĐMST tiếp cận đến với những cơ hội làm việc, hợp tác mới trong Hệ sinh thái.


Tài liệu tham khảo

Morikawa, M. 2016. 16 examples of Open Innovation - What can we learn from them?. [online] Available at: <https://www.viima.com/blog/16-examples-of-open-innovation-what-can-we-learn-from-them>.  [Accessed 15 May 2021].

Morikawa, M. 2016. 16 examples of Open Innovation - What can we learn from them?. [online] Available at: <https://www.viima.com/blog/16-examples-of-open-innovation-what-can-we-learn-from-them>.  [Accessed 15 May 2021].

Sgtechcentre.undp.org. 2021. Singapore's Open Innovation by IMDA - powering an Innovation Ecosystem. [online] Available at: [Accessed 15 May 2021].

Theo https://www.most.gov.vn/

 

 

 

Zalo: 0983 088 626