4.0: Thời thượng hay hùng cường?

Từ đầu năm 2018 tới nay, “Cách mạng 4.0” bỗng trở nên một cụm từ được nhắc tới nhiều, nhất là trong giới lãnh đạo và chuyên gia.

Dẫu không phải ai cũng hiểu hết nội hàm của “cách mạng 4.0”, nhưng những lo toan để thích ứng với sự đột phá của công nghệ là có thật.

Còn nhớ, tháng 12/2017, tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ".

 

Nhưng trước khi phát biểu điều này, Thủ tướng đã khái lược bối cảnh công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số. Những quốc gia xung quanh cũng đã tiến hành những chiến lược kinh tế số, công nghiệp thông minh.

Thực tế, ngay từ tháng 10/2017, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, khi phát biểu kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam đã đề cập tới sự bùng nổ của công nghệ. Ông Lộc coi đó là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may. Bởi tại thời điểm đó, người máy hay rô-bốt đã được dùng để thay thế cho con người ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, tuy vẫn còn nhiều bất cập, nhưng Chính phủ đã ý thức được cách mạng 4.0 là một cơ hội và có hành động cụ thể. Chỉ thị 16 của Thủ tướng thời điểm đó về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một hành động kịp thời. Cơ sở hạ tầng về CNTT đã thúc đẩy sự phát triển của internet khi 95% dân số được phủ sóng 4G, 52 triệu người dùng internet, 55% người Việt sử dụng smartphone.

Những nguy cơ về tụt hậu khi nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động... là có thật. Nhưng đó cũng chính là áp lực cần thiết để chuyển đổi, dổi mới sáng tạo và tạo ra đột phá. Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. 

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể”, Thủ tướng hiệu triệu.

Kể từ thời điểm đó đến nay, cách mạng 4.0 dường như trở thành niềm trăn trở không chỉ của Thủ tướng. Nó đã lan tỏa tới các bộ, ngành, sang cả các chuyên gia kinh tế. Mới đây, tại Diễn đàn cao cấp và triển lãm quốc tế về cách mạng 4.0, Thủ tướng khẳng định rằng cuộc cách mạng 4.0 là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn.

“Ở Việt Nam, tuy cách mạng 4.0 đã xuất hiện nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, chưa có quy mô, phổ cập”. Sự lo lắng này của Thủ tướng là có thật khi xét đến thực tế ở Việt Nam hiện nay. Ngay như Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một của Asean dù có một ban chỉ đạo mạnh, nhưng cho đến nay, kết quả vẫn rất là… khiêm tốn.

Bởi đơn giản là, trong số 284 thủ tục được yêu cầu kết nối với cơ chế một cửa quốc gia, nhưng đến 30/6, Tổng cục Hải quan cho hay: Dù các bộ, ngành đã tích cực kết nối thủ tục hành chính, nhưng cũng mới chỉ có 53/284 thủ tục được kết nối. Cũng chính vì vậy mà đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chủ trì một hội nghị về “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” hạ tuần tháng 7 vừa qua.

Ngoài ra, thực tế hiện nay, ngay việc ứng dụng CNTT, dù đạt được những thành tích bước đầu, nhưng rõ ràng so với sự bùng nổ của công nghệ, yêu cầu về cải cách… thì các bộ, ngành dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đưa ra từ nhiều năm trước.

Những điều đó không thể không khiến người đứng đầu Chính phủ lo lắng. Và như một hành động cụ thể, ông đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia CMCN 4.0.

Và trong những ngày này, 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt khắp nơi trên thế giới đang tụ hội để giao lưu, bàn bạc cùng với những lãnh đạo Đảng, Nhà nước về kết nối sáng tạo. Cách mạng 4.0 lại được đề cập và dường như lối ra đã được định hình.

Nhưng điểm chính yếu hiện nay vẫn là giải quyết điểm nghẽn về thể chế để dung nạp nhân tài. Đương nhiên, thay đổi nhận thức về cách mạng 4.0 để có bước đi, cách làm hợp lý là quan trọng, nhưng nếu không có nhân sự sẵn sàng, không có pháp lý vững chắc và phù hợp, thì chắc chắn cách mạng 4.0 sẽ trở thành thách thức chứ không phải cơ hội cho Việt Nam.

Thủ tướng nói cần phải đưa ra được chính sách pháp luật hợp lý, hiệu quả để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 tốt hơn, cao hơn. Điều đó có lẽ là cần thiết nhất để cách mạng 4.0 giúp Việt Nam hùng cường.

Zalo: 0983 088 626