Trong một vài tháng vừa qua, chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng của đại dịch COVID-19, một cuộc khủng hoảng không giống như bất cứ một cuộc khủng hoảng nào trong các thập kỷ qua. Một cuộc khủng hoảng có thể khiến mọi người cùng lúc có nhiều cảm giác khác nhau thất vọng, khó chịu, choáng ngợp, sợ hãi, quan tâm đến bản thân, đến những người khác và đôi khi là không biết phải làm gì để vượt qua nó.
Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn trong kinh doanh khi việc di chuyển của toàn xã hội bị nhà nước hạn chế. Các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp thì khó khăn gấp đôi, gấp ba khi vừa phải lo cho bản thân, gia đình và cả tổ chức. Tất cả trong số họ đang cố gắng lèo lái tổ chức vượt qua cuộc khủng hoảng, trong đó mỗi ngày đều phải đối mặt với các thách thức mới và phải đưa ra các quyết định mới như: doanh nghiệp có nên giữ cửa hàng, nhà máy sản xuất, văn phòng tiếp tục không? Tổ chức có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên của đến khi nào?…
Trong số các câu hỏi đó, câu hỏi quan trọng mà các CEO và các công ty đang giải quyết là làm thế nào để có thể tồn tại và (xa hơn nữa) có thể dẫn đầu trong môi trường này. Để trả lời tốt cho các câu hỏi này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có một tầm nhìn xa và có sự định hướng lãnh đạo rõ ràng, nhất quán cho tổ chức trong giai đoạn này.
Theo Hubert Joly - cựu CEO của công ty Best Buy và Carlson ở Mỹ, trong giai đoạn khủng hoảng này các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp nên theo hướng lãnh đạo con người - như đặt nhân viên, khách hàng, đối tác và cộng đồng lên trên hết, coi lợi nhuận là kết quả chứ không phải mục tiêu.
Ngay cả khi trao đổi với những người đồng cấp là CEO của các doanh nghiệp khác, ông cũng nhận thấy giữa họ có một quan điểm giống nhau đó là tất cả đều nhất quán tập trung vào con người ở những giai đoạn khủng hoảng. Họ đều cho rằng cuộc khủng hoảng này là một thời điểm lãnh đạo quan trọng để họ giúp đỡ người khác. Họ đều dành thời gian với đội của mình và làm việc cùng nhau để làm điều đúng đắn. Điều này có tiềm năng trở thành cơ hội tốt nhất và họ muốn vươn lên trong dịp này. Tất nhiên, ai cũng đều hiểu đây là thời gian thử thách vô cùng.
Trong vài ngày qua, chúng ta đã thấy những ví dụ tuyệt vời về các nhà lãnh đạo đã làm việc chăm chỉ để cố gắng và hành động để làm điều đúng đắn, minh họa niềm tin rằng các doanh nhân có thể là một lực lượng tốt trong cuộc khủng hoảng này. Chẳng hạn như trong thời điểm Mỹ và phương Tây thiếu trầm trọng thiết bị y tế để đối phó với dịch COVID-19, CEO Tesla Elon Musk tuyên bố công ty này đã mua hàng trăm máy thở từ Trung Quốc và chuyển về Mỹ. Musk cũng cho biết nhà máy của hãng xe điện này tại Buffalo, New York sẽ sớm được sử dụng để sản xuất máy thở.
Bên cạnh đó, LVMH đế chế đồ hiệu của Pháp, công ty mẹ thương hiệu Louis Vuitton, đã chuyển các nhà máy sản xuất nước hoa và mỹ phẩm của mình sang sản xuất nước rửa tay khử trùng để cung cấp cho các bệnh viện Pháp.
Cân bằng phù hợp
Vào giai đoạn khủng hoảng khuyến cáo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên thông tin nhất quán và rõ ràng đến nhân viên về việc hạn chế đi công tác, khuyến khích, tạo điều kiện làm việc tại nhà và hủy bỏ các sự kiện.
Các nhà lãnh đạo cũng nên xem xét nghiêm túc thời gian bị bệnh như là khoản phúc lợi chính đáng mà người nhân viên được hưởng.
Như Best Buy đang đưa ra một dịch vụ chăm sóc trẻ em dự phòng được giới thiệu vào năm ngoái, cung cấp quyền sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em tại nhà hoặc tại trung tâm cho những người nhân viên đột nhiên cần đến nó. Công ty cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần để hỗ trợ nhân viên đối phó với sự lo lắng và các vấn đề khác do đại dịch gây ra.
Đại dịch COVID-19 này đã làm suy giảm đáng kể lợi nhuận của hầu hết các công ty, vì vậy nhiều nhà lãnh đạo đang nghĩ về những cách để bắt đầu đảm bảo sự tồn tại của tổ chức. Xu hướng tự nhiên mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ đến có thể là bắt đầu sa thải nhân viên. Tuy nhiên, đây có thể là cách suy nghĩ thiển cận.
Dù đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng xét về thời gian nó có tính chất tạm thời. Bên cạnh đó, có rất nhiều giải pháp khác nhau mà các lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng như cắt giảm lương tạm thời, giảm thời gian hoặc cho nghỉ tạm thời không lương, thay vì sa thải nhân viên.
Khi Hubert Joly là Giám đốc điều hành của Carlson Wagonlit Travel, doanh nghiệp Đức này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đại suy thoái năm 2008. Việc kinh doanh du lịch của công ty phụ thuộc vào các đại lý có thể tối ưu hóa các thỏa thuận du lịch nhiều chặng, giá cả của hãng hàng không và dựa trên các mối quan hệ với các khách du lịch mà họ phục vụ. Cuộc suy thoái kinh tế nặng đó đã ảnh hưởng lớn ngành du lịch và do đó làm giảm phần lớn nhu cầu về các dịch vụ mà Carlson Wagonlit cung cấp.
Trong khi việc sa thải nhân viên là giải pháp phổ biến ở nhiều nơi, nhưng ở Đức khi đó nhờ luật lao động địa phương, đội ngũ lãnh đạo đã quyết định giảm giờ làm việc, vì vậy mọi người đều có thể giữ được việc làm. Mặc dù họ không biết thị trường sẽ mất bao lâu để phục hồi, nhưng họ biết rằng giữ người là ưu tiên hàng đầu. Cuối cùng, khi thị trường hồi phục, công ty đã sẵn sàng và không bị tổn thất nhân tài.
Tận dụng thời gian này các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên cố gắng chăm sóc khách hàng của họ. Một số nhà bán lẻ, bao gồm các cửa hàng tạp hóa và nhà thuốc, đang tiếp tục hoạt động để cung cấp nhu cầu các mặt hàng thiết yếu cho mọi người. Nhiều nhà lãnh đạo đã công bố các điều chỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn như tăng cường dịch vụ vệ sinh trong cửa hàng của họ, giảm thời gian mở cửa để tạo điều kiện cho việc dọn dẹp cửa hàng, giới thiệu một khoảng thời gian đặc biệt cho những khách hàng dễ bị tổn thương nhất (người già, người khuyết tật…) để mua sắm và hạn chế dòng khách hàng để đảm bảo an toàn.
Các nhà bán lẻ khác, như Apple, Nike và Ralph Lauren đã quyết định tạm thời đóng cửa các cửa hàng của họ. Việc tìm ra sự cân bằng phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch là một điều thử thách lớn đối với các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đồng cảm và chia sẻ khó khăn với họ.
Một số nhà lãnh đạo của các công ty đã bắt đầu giúp đỡ các nhà cung cấp yếu nhất của họ. Ví dụ, Amazon đã quyết định thành lập một quỹ trị giá 5 triệu đô la để giúp các doanh nghiệp nhỏ gần trụ sở chính của mình. Các công ty khác cũng đang xem xét danh sách các nhà cung cấp chính của họ và theo dõi chặt chẽ tình hình của họ với quan điểm sẵn sàng can thiệp để đảm bảo sự sống còn của họ.
Hubert Joly khuyến cáo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên huy động nguồn lực trợ giúp cộng đồng nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Một số nhà lãnh đạo của các công ty lớn trên thế giới đang huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ rộng rãi hơn các cộng đồng nơi họ hoạt động. Ví dụ như Johnson & Johnson Trung Quốc đã cung cấp vốn, vật tư y tế và thiết bị bảo vệ cho các tổ chức khác nhau đối phó với dịch bệnh. Công ty hội nghị truyền hình Zoom của Mỹ đang cung cấp quyền truy cập miễn phí để sử dụng các dịch vụ cho tất cả các trường trên cả nước.
Kinh doanh là theo đuổi mục đích cao cả, đặt nhân viên và các mối quan hệ của con người vào trung tâm của cách thức hoạt động của một doanh nghiệp. Đây là thời điểm mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không được xác định bởi giá cổ phiếu của công ty hoặc liệu nó có đạt được các chỉ số về EPS (Earning Per Share) hay không.
Đây là thời điểm mà kết quả kinh doanh sẽ được đánh giá qua cách một công ty và lãnh đạo của nó phục vụ mọi người và hoàn thành mục đích cao hơn đó là đáp ứng các yêu cầu mong đợi của nhiều bên liên quan. Tuỳ vào hoàn cảnh và nguồn lực khác nhau của doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo có thể linh hoạt ứng dụng để định hình cách lãnh đạo tổ chức và ra các quyết định phù hợp nhằm giúp tổ chức vượt qua khủng hoảng.