Số hóa là giải pháp không mới đặc biệt là ở nhóm ngành mang tính chất hệ thống và có khối lượng dữ liệu khổng lồ như công tác quản lý nhân sự.
Tuy nhiên, khai thác tiềm năng về số hóa trong lĩnh vực HR (Human Resources) tại nhiều doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhìn chung vẫn còn lệ thuộc nhiều vào các văn bản số và hệ thống biểu tính chứ chưa thực sự có chiến lược vận hành mang tầm công nghệ thật sự.
Một số thủ tục của ngành nhân sự vẫn còn tốn nhiều thời gian, các quy trình vẫn còn phức tạp và nhất là tính minh bạch vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế do chưa có các giải pháp phù hợp, gây nên những khó khăn trong công tác quản lý nói chung và bản thân người lao động nói riêng.
Đứng trước những hạn chế đó, công nghệ hóa quản trị nhân sự theo xu hướng thông minh đã ra đời, tạo ra cuộc cách mạng tối ưu hóa công tác quản lí nhân lực tại nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu.
Một hệ thống quản trị nhân sự thông minh ở thời điểm hiện tại được xác định dựa trên 3 yếu tố: tính tối ưu trong quản lí hoạt động của toàn bộ nhân sự xuyên suốt 24/7 (bao gồm theo dõi, đánh giá và biết lắng nghe), hệ thống kiểm định khoa học nguồn nhân sự đầu vào và khả năng đưa tối thiểu hóa thời gian, thủ tục và con người trong các hoạt động quản trị nhân sự.
Bà Megawaty Khie, Phó chủ tịch SAP SuccessFactors Đông Nam Á - nhà cung cấp công nghệ quản trị nhân sự thông minh cho nhiều tập đoàn như Microsoft, PepsiCo - nhận định, trong nền kinh tế số ngày nay, việc ứng dụng một hệ thống quản trị nguồn nhân lực tích hợp và trên thời gian thực không còn là lựa chọn xa xỉ, mà đã trở thành mắt xích cần thiết trong hệ thống cơ sở hạ tầng của bất kỳ doanh nghiệp nào nếu họ quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển và lợi nhuận bền vững.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ mới bắt đầu với hành trình số hóa doanh nghiệp.
Theo dự đoán, hàng loạt các công nghệ đột phá hứa hẹn sẽ tái định hình môi trường cạnh tranh, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các tập đoàn và doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào các giải pháp số chắc chắn sẽ hưởng những thành quả xứng đáng.
So với các nước trên thế giới, Việt Nam có lợi thế ứng dụng công nghệ trong quản lý nhân sự ở khả năng cập nhật nhanh và sự mạnh dạn đầu tư công nghệ mới của nhiều nhà quản trị.
Đơn cử, Tập đoàn TH vừa qua đã chính thức vận hành giải pháp SAP SuccessFactors tại 4 công ty trực thuộc tập đoàn nhằm nâng cao khả năng quản lý nguồn nhân lực.
Chia sẻ với TheLEADER, ông Prakash Balakrishnan, Giám đốc nhân sự Tập đoàn TH cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức như độ chính xác dữ liệu thấp, thiếu báo cáo tin cậy, nhiều loại hồ sơ và tờ trình chồng chéo, cũng như quy trình phê duyệt quá chậm.
Với giải pháp SAP SuccessFactors, chúng tôi kỳ vọng sẽ cải thiện việc tổng hợp và hiện đại hóa các quy trình nhân sự nói chung, nhằm nâng cao mức độ minh bạch và cải thiện việc tiếp cận dữ liệu nhân viên, giúp ban lãnh đạo có cái nhìn toàn diện, chính xác để đưa ra các quyết định tốt hơn”.
Nêu ví dụ cho luận điểm này, ông Prakash Balakrishnan nhấn mạnh nếu có các thông tin tốt hơn về các kỹ năng chuyên môn hiện tại của đội ngũ nhân viên, bộ phận nhân sự có thể lên kế hoạch phát triển nhân viên tốt hơn nhằm phục vụ cho chiến lược kinh doanh của tập đoàn, và đồng thời tái đào tạo kỹ năng nhân viên sao cho phù hợp với nền kinh tế số.
Ở khía cạnh hiệu quả đầu tư, đại diện Tập đoàn TH cho rằng, việc triển khai các giải pháp công nghệ như SuccessFactors sẽ đẩy mạnh năng suất làm việc của toàn tập đoàn nói chung, đồng thời nâng cao sự hài lòng của nhân viên, tính hiệu quả trong công tác quản lý nhân sự, cũng như cắt ngắn thời gian phê duyệt nội bộ.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn từ đó đạt mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
Quản lý nhân sự 4.0: Cơ hội lớn, thách thức lớn
Tác động mạnh mẽ và liên tục trong thời gian qua, làn sóng công nghệ 4.0 đã được nhiều nhà quản trị tại Việt Nam ‘săn đón’, ngành nhân sự vì thế cũng không là ngoại lệ.
Khác với số hóa, 4.0 trong lĩnh vực nhân sự tập trung nhiều hơn đến việc khai thác tiềm năng của Big Data và trí thông minh nhân tạo AI để hướng đến mục tiêu thay thế con người ở một số công tác quản lý nhân sự.
Chia sẻ rõ hơn về nội dung này, tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội” do Hội nữ doanh nhân TP. HCM tổ chức vừa qua, ông Mic Nguyễn – Chuyên gia công nghệ từng có cơ hội làm việc tại NASA (Mỹ) và Giám đốc Công nghệ Med2Lab cho biết, ứng dụng gần nhất mà công nghệ 4.0 ở công tác HR là “học” và phân tích thông tin nhân sự dựa trên nền tảng Big Data của AI với mục tiêu đưa ra đánh giá chính xác về khả năng, các dự đoán về hiệu quả làm việc trong tương lai hoặc những gợi ý đào tạo phù hợp cho từng nhân sự.
Công nghệ này sẽ giúp chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm đáng kể thời gian và số lượng nhân viên cho công tác nhân sự.
Bên cạnh những khả năng ứng dụng 4.0, một ý kiến khác tại diễn đàn lại cho thấy những lưu ý khi bước vào làn sóng này.
Ông Pankaj Rathi, Giám đốc điều hành Deloitte Consulting nhận định, ứng dụng 4.0 tại Việt Nam sẽ đặt ra cho doanh nghiệp nhiều thách thức lớn, trước hết là bài toán chi phí đầu tư và nhân lực điều hành.
Tuy nhiên, do 4.0 là một xu thế tất yếu, sớm hoặc muộn các doanh nghiệp cũng sẽ phải tiếp cận công nghệ này.
Vì thế, bài toán được đặt racho doanh nghiệp là phải ứng dụng công nghệ làm sao thật thông minh, từng bước và phù hợp với tình hình phát triển chung của doanh nghiệp; trong đó, sự mạnh dạn và khả năng quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là yếu tố cốt lõi.