Có những câu chuyện có tính cách “huyền thoại” về sinh viên mơ mộng một cái gì, bỏ học để khởi nghiệp, và trở thành Marc Zuckerberg hay Bill Gates tiếp. Tất nhiên, mọi người đều thích những câu chuyện thành công và nghĩ rằng khởi nghiệp là cách dễ dàng để làm nhiều tiền. Tuy nhiên, trong thực tế điều đó đòi hỏi nhiều nỗ lực để khởi đầu một công ty và làm cho nó thành công.
Tuần trước, một sinh viên hỏi: Tại sao có người thành công và nhiều người thất bại. Chắc phải có công thức bí mật nào đó?
Cả lớp cười to vì mọi người đều nghĩ rằng đó là chuyện đùa. Để làm cho lớp học vui hơn, tôi xác nhận: “Có chứ, có công thức thành công bí mật đấy, và nếu các bạn có thể làm điều đó, các bạn sẽ trở thành Steve Jobs hay Bill Gates ngay. Và tôi sẽ dạy công thức bí mật ngày hôm nay.”
Khi cả lớp cười vang thích thú, tôi giải thích:
“Khởi nghiệp thành công không phải chỉ bằng có ý tưởng như phần lớn mọi người nghĩ. Ai cũng có thể có ý tưởng hay nhưng không đủ, vì còn một “công thức bí mật” mà họ phải làm nữa. Sinh viên kĩ thuật thường tin rằng họ có kĩ năng tạo ra websites, họ có thể viết mã, thì họ có thể khởi nghiệp. Đó là niềm tin của thời “dotcom” đã lỗi thời và tạo ra nhiều thất bại từ lâu rồi. Để thành công ngày nay, người ta phải hình thành công thức, lập kế hoạch, kiểm nghiệm, thực thi, tiếp thị và lập thế cạnh tranh. Các yếu tố này có thể được tóm tắt trong một “công thức bí mật” mà bạn sẽ học trong lớp này.”
Cả lớp cười vang vì biết tôi đùa nhưng một vài người đã tỏ ra chăm chú hơn. Tôi tiếp tục:”Hôm nay các bạn sẽ học công thức bí mật của “Sư phụ Steve Jobs truyền lại”, các bạn đã sẵn sáng chưa?”
Khi mọi người cười ầm lên thì tôi nói tiếp: “Đây là câu thần chú bí mật đấy nhé: “Hãy giải quyết vấn đề mà nhiều người cần và cho họ lí do để họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho giải pháp đó.”
Tôi yêu cầu cả lớp nhắc lại câu “thần chú ” này vài lần để nhập tâm rồi giải thích:
“Steve Jobs đã dùng công thức này và giải quyết vấn đề mà nhiều người cần: Họ cần máy tính nhưng không thể mua máy tính lớn giá hàng triệu đô la. Steve cung cấp máy tính nhỏ, có thể làm được nhiều điều như máy tính lớn, nhưng bán chỉ ba nghìn đô la. Chỉ trong hai năm, ông ấy đã bán được hơn hai triệu máy tính Apple . Trong vòng năm năm, Apple thâu tóm thị trường máy tính, và loại trừ hầu hết các công ty mày tính lớn ra khỏi thị trường.”
Google cũng đi theo công thức này. Các bạn nên nhớ Google không phải là công ty động cơ tìm kiếm (Search Engine) đầu tiên. Đã có bẩy công ty hoạt động vào thời đó nhưng đa số đều khó dùng, chỉ người có kĩ năng máy tính mới dùng được. Một số công ty còn đòi người dùng phải trả tiền để sử dụng động cơ tìm kiếm.
Google giải quyết vấn đề này bằng việc làm cho nó dễ dùng hơn và cung cấp miễn phí. Google tuyên bố giá trị như sau: “Tại sao trả tiền cho một động cơ tìm kiếm khó dùng trong khi bạn có thể dùng một động cơ tìm kiếm “dễ dùng” mà chẳng phải trả tiền.” Trong một thời gian ngắn, Google thâu tóm thị trường, tiêu diệt công ty cạnh tranh kia và phát triển thành một công ty lớn nhất.
Nhưng đó chỉ mới là một nửa của công thức: “Giải quyết vấn đề cho nhiều người.”
Google kiếm tiền qua việc quảng cáo với đề nghị: “Khi mọi người tìm gì đó liên quan tới sản phẩm của bạn, chúng tôi sẽ cho hiển thị quảng cáo của bạn nhưng bạn không phải trả chúng tôi cho đến khi người dùng bấm nút truy cập vào website của bạn. Bạn “trả tiền theo cú bấm chuột.” (Pay by click)
Điều này hiệu quả hơn là những quảng cáo hiện lên một cách ngẫu nhiên. Người tìm mua sách sẽ không bao giờ chú ý tới quảng cáo xe hơi. Khi mọi người bấm vào quảng cáo mà họ quan tâm, họ có ý muốn mua thứ đó và điều đó giải quyết vấn đề cho các công ty bán hàng quảng cáo với Google nên họ hài lòng trả cho Google nhiều tiền.
Google thành công vì biết rõ công thức bí mật này. Bây giờ các bạn đã biết về “bí mật” này thì phải áp dụng nó cho việc khởi nghiệp để thành công. Cả lớp cười vang nhưng họ biết rằng quy tắc này là yếu tố quan trọng cho việc khởi nghiệp. Ý tưởng không đủ, kỹ thuật không đủ, mà phải có thật nhiều khách hàng và cách kiếm thật nhiều tiền, mới đưa khởi nghiệp đến chỗ thành công.
Tôi đặt câu hỏi cho cả lớp: Bạn áp dụng công thức này cho khởi nghiệp thế nào? Nếu bạn có ý tưởng, bạn phải tự hỏi: Nó có giải quyết vấn đề mà nhiều người cần hay không? (Giá trị của sản phẩm) Bao nhiêu người cần giải pháp này? (Kích cỡ thị trường) Những người này là ai? (Nhận diện khách hàng) Làm sao bạn đạt tới họ? (Cách tiếp xúc, liên lạc với khách hàng) Họ sẵn lòng trả bao nhiêu? (Thu nhập) Nó tốn bao nhiêu? (Bạn phải chi ra bao nhiêu cho giải pháp này) Giải pháp của bạn có tốt hơn những giải pháp khác không? (Chất lượng) Bạn có bằng sáng chế để tránh việc sao chép, ăn cắp tài sản trí tuệ không? (Lập thế cạnh tranh). Nếu hội đủ những điều kiện này thì khởi nghiệp có nhiều cơ hội thành công.
Vì sinh viên kĩ thuật không quen thuộc với mô hình doanh nghiệp, tôi thường rút ngắn mô hình lại bằng câu hỏi giản dị (Cái gì, Ai, và Làm sao) mà sinh viên phải trả lời trong lớp của tôi:
Cái gì: Vấn đề bạn đang định giải quyết là gì? Sản phẩm của bạn là gì? Dịch vụ của bạn là gì?
Ai: Ai là khách hàng của bạn? Ai có vấn đề?
Làm sao: Làm sao bạn giải quyết vấn đề này? Thị trường lớn thế nào? Bạn định đạt tới khách hàng thế nào? Làm sao bạn dẫn lái nhu cầu? Làm sao bạn làm tiền?
Bằng việc trả lời những câu hỏi đơn giản này, sinh viên có thể kiểm nghiệm ý tưởng của họ để xác định liệu họ có thể khởi nghiệp hay không. Mặc dù sinh viên đều biết rằng tôi đùa vì sử dụng danh từ “Công thức bí mật” nhưng đây là những quy tắc làm cho sinh viên có thể nhớ lâu hơn trong bài học giản dị.
Theo thời gian, tôi đã gặp một số sinh viên khởi nghiệp thành công, và mỗi lần gặp tôi họ đều nhắc nhở “Chúng tôi đã áp dụng “công thức bí mật” của thầy dạy đấy."