Con số trên là kết quả nghiên cứu do Công ty Tư vấn PwC vừa công bố, khảo sát 600 giám đốc điều hành tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ về sự phát triển của blockchain và quan điểm của họ về tiềm năng của công nghệ mới này. Khoảng 84% nhà lãnh đạo cho biết đang thực hiện các sáng kiến về blockchain, trong khi 15% đã hoàn thành quá trình này, 32% doanh nghiệp có dự án đang phát triển và 20% đang trong quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá blockchain đang định hình lại việc kinh doanh và thương mại nên họ lo ngại bị tụt hậu khi blockchain đang phát triển trên toàn cầu và mở ra các cơ hội mới, giảm chi phí, nâng cao tính minh bạch và mang đến khả năng truy xuất nguồn gốc tối ưu hơn.
Dịch vụ tài chính có bước tiến mạnh mẽ nhất khi có đến 46% nhận định đây là lĩnh vực dẫn đầu về blockchain và 41% cho rằng lĩnh vực này sẽ dẫn đầu trong 3 - 5 năm tới. 14% lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng của blockchain trong ngành năng lượng và tiện ích, chăm sóc sức khỏe và sản xuất công nghiệp là 12%.
Gartner dự báo blockchain sẽ tạo ra giá trị kinh doanh hằng năm hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2030, tương đương với 10 - 20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy trên các hệ thống dựa trên blockchain. Mỹ, Trung Quốc và Úc được nhận định là 3 quốc gia phát triển các dự án blockchain tốt nhất hiện nay với lần lượt 29%, 18% và 7%. Tuy nhiên, Gartner cũng dự báo trong vòng 3 - 5 năm tới, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành trung tâm có ảnh hưởng và hoạt động mạnh mẽ nhất về blockchain.
Bất chấp tiềm năng của công nghệ này, 45% phản hồi cho biết lòng tin là rào cản lớn nhất khi ứng dụng. Lo ngại về lòng tin của người dùng cao nhất ở Singapore với 37%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE là 34% và Hồng Kông là 35%.
Ngoài ra, 48% cho rằng các quy định cho blockchain vẫn còn chưa rõ ràng, tỷ lệ cao nhất ở Đức với 38%, Úc là 37% và Anh là 32%. Ứng dụng rất ít hoặc không ứng dụng blockchain vì thiếu chi phí là phản hồi của 31% lãnh đạo, 24% không biết bắt đầu từ đâu và 14% nêu lý do là các vấn đề quản trị.
Theo ông Steve Davies - lãnh đạo mảng blockchain của PwC, khảo sát cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại tụt hậu với công nghệ blockchain mặc dù công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, còn nhiều mối lo ngại về lòng tin và các quy định, chính sách.
Ông phân tích, việc xây dựng và triển khai blockchain để nhận ra tiềm năng của công nghệ này không chỉ là một dự án công nghệ thông tin mà đòi hỏi sự chuyển dịch của cả hệ thống mô hình kinh doanh, vai trò và quy trình. Nó cần một đề án kinh doanh rõ ràng, một hệ sinh thái để hỗ trợ, với các quy tắc, tiêu chuẩn và tính linh hoạt để đối phó với việc các quy định sẽ bị thay đổi thường xuyên.
Nghiên cứu của PwC cũng xác định các lĩnh vực chính tập trung vào sự phát triển của nền tảng blockchain nội tại hoặc áp dụng rộng khắp các ngành công nghiệp. Trước hết là từ việc xây dựng đề án kinh doanh, các tổ chức có thể bắt đầu từ dự án nhỏ, nhưng phải rõ ràng về mục đích của sáng kiến để người tham gia có thể xác định và căn chỉnh phù hợp.
Thêm nữa, việc xây dựng hệ sinh thái người tham gia dự án nên đến từ các công ty khác nhau trong cùng ngành để làm việc trên bộ quy tắc chung khi quản lý blockchain. Điều này được chứng minh qua con số 88% số người tham gia khảo sát cho biết họ là lãnh đạo hoặc thành viên của một hiệp hội blockchain.
Ngoài ra, về thiết kế, cần quy tắc và tiêu chuẩn cho quyền truy cập, ngay từ đầu cần sự tham gia của các chuyên gia về rủi ro, bao gồm pháp lý, tuân thủ, an ninh mạng nhằm đảm bảo hành lang pháp lý về blockchain để các nhà quản lý và người dùng có thể tin tưởng.
Đồng thời, cần cảnh báo các nhà phát triển blockchain về việc các yêu cầu pháp lý sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển, các lãnh đạo doanh nghiệp cần tham gia với các nhà quản lý để định hình lại phương thức mà môi trường blockchain đang phát triển.
Một công ty tạo ra một blockchain còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nội bộ, tính hài hòa và quy mô dữ liệu. Vai trò của blockchain như một tác nhân thay đổi có hai hướng: là một dạng cơ sở hạ tầng mới và là một cách mới để số hóa các tài sản thông qua mã hóa.
Trong khi thách thức đối với blockchain hiện nay song hành với xây dựng lòng tin trong mạng lưới còn thiếu các yếu tố pháp lý hỗ trợ. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu các điều khoản về blockchain, đặc biệt khi chúng liên quan đến các dịch vụ tài chính, nhưng môi trường pháp lý tổng thể vẫn chưa được giải quyết.
Một lo ngại lớn mà xu thế blockchain đối mặt là tính bảo mật và sự phát triển của blockchain tại Việt Nam. Theo ông Robert Trọng Trần - lãnh đạo dịch vụ an ninh mạng và bảo mật PwC Việt Nam, tiềm năng phát triển các ứng dụng blockchain tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên tính bảo mật là điểm quan trọng mà các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu lĩnh vực này cần chú trọng.
Ông khuyến cáo: "Về quan điểm kỹ thuật, blockchain là công nghệ có tính bảo mật tốt nhất thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nguy cơ bị tấn công vẫn có thể xảy ra do blockchain vẫn đang hoạt động trên nền tảng truyền thống. Do đó, doanh nghiệp không thể tách rời các yêu cầu bảo mật, an ninh thông tin khỏi sự phát triển blockchain".