Ngày nay, chúng ta có thể thấy, mục tiêu hàng đầu của nâng cao năng suất là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và kết quả của nâng cao năng suất là giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động được nghiên cứu bởi Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và trở thành mô hình điển hình cho nhiều quốc gia thành viên nghiên cứu và áp dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Tăng trưởng kinh tế thường được đo bằng chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP. Bằng cách nâng cao năng suất, một quốc gia có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách chuyển đổi cùng một số lượng đầu vào thành các cấp độ cao hơn của tổng sản lượng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người là chỉ tiêu quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế và mức sống của người dân. Tăng GDP là mục tiêu để đạt tới nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hình 2 cho thấy Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng chú ý. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam trong 10 năm 2010-2019 là 6,3%, năm 2019 là 6,8%.
GDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm, năm 2010 là 4.839 USD và năm 2019 tăng gấp 1,6 lần đạt 7.658 USD (chuyển đổi sang mức giá năm 2018 được cập nhật tính theo sức mua tương đương bằng đô la Mỹ năm 2011). Mặc dù vậy GDP đầu người vẫn thấp hơn so với nhiều nước.
Hiện Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tuy cao hơn so với Cambodia, Myanmar nhưng thấp hơn nhiều so với của các nước khác như Philippines, Indonesia, China, Thailand, Malaysia và Singapore (Hình 3). Các nước đang phát triển có thể bắt kịp các nước phát triển bằng cách đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Các yếu tố quyết định tăng trưởng dài hạn bao gồm tăng trưởng năng suất, thay đổi nhân khẩu học (tỷ lệ việc làm trên dân số) và sự tham gia của lực lượng lao động. Để đuổi kịp một số nước trong khu vực, chúng ta cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp cho một thời gian dài.
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP) là tăng năng suất lao động. Trong những điều kiện hạn chế đầu vào (lao động và vốn), tăng năng suất lao động là con đường duy nhất để tăng trưởng kinh tế bền vững về dài hạn. Trong đó, tăng năng suất lao động phụ thuộc vào: (1) năng suất lao động của các doanh nghiệp, vì doanh nghiệp được coi là trung tâm của phát triển kinh tế; (2) năng suất nội ngành của các ngành kinh tế và (3) cơ cấu kinh tế.
Một cách để phân tích các nguồn tăng trưởng năng suất là nghiên cứu tác động của sự khác biệt trong cơ cấu ngành đến tăng trưởng năng suất lao động tổng hợp ở các quốc gia khác nhau. Các khác biệt trong ngành có thể là do sự khác biệt về tăng trưởng năng suất lao động hoặc các thay đổi về qui mô tương đối, được chia tách bằng phân tích chuyển dịch tỷ trọng. Các đóng góp của ngành đối với tăng trưởng năng suất lao động tổng hợp có thể được chia thành ba hiệu ứng. Hiệu ứng đầu tiên đại diện cho “hiệu ứng trong ngành” được tính theo trọng số của phần đóng góp thực của ngành trong tổng sản lượng đầu ra thực nhân với năng suất lao động của ngành.
Hiệu ứng thứ hai thể hiện “hiệu ứng thay đổi cấu trúc” được đo bằng tỷ lệ giữa mức năng suất lao động của ngành và mức năng suất lao động tổng hợp nhân với lao động dịch chuyển của ngành. Năng suất lao động tổng hợp có thể tăng ngay cả khi năng suất lao động của ngành không đổi, miễn là lao động dịch chuyển từ các ngành có mức năng suất lao động dưới mức trung bình sang các ngành có mức năng suất lao động trên mức trung bình.
Hiệu ứng thứ ba là “hiệu ứng tương tác” được đo bằng tỷ lệ giữa mức năng suất lao động của ngành và mức năng suất lao động tổng hợp nhân với tích năng suất lao của ngành với lao động dịch chuyển của ngành. Hiệu ứng này sẽ là số dương khi lao động chuyển sang một ngành có tăng trưởng năng suất lao động dương hoặc khi lao động rời khỏi một ngành có tăng trưởng năng suất lao động âm.
Kết quả của phân tích chuyển dịch tỷ trọng được trình bày trong Hình 4. Chủ yếu đóng góp vào tăng năng suất lao động tổng hợp là hiệu ứng trong ngành và hiệu ứng thay đổi cấu trúc, hiệu ứng tương tác hầu như không có đóng góp đáng kể. Chính vì vậy, hiệu ứng nội ngành và dịch chuyển cơ cấu tăng cường lẫn nhau làm tăng năng suất lao động theo thời gian.
Trong giai đoạn 2011-2018 tốc độ tăng NSLĐ tổng hợp trung bình năm là 5,06%, hiệu ứng trong ngành đóng góp 69,86% vào tăng trưởng năng suất, hiệu ứng thay đổi cấu trúc đóng góp 30,12%, còn hiệu ứng tương tác chỉ đóng góp 0,03% vào tốc độ tăng NSLĐ. Việc tiếp tục chuyển dịch lao động từ nhóm ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ đã làm năng suất lao động tổng hợp tiếp tục tăng lên.
Hình 5 cho thấy mối tương quan giữa tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động (với dữ liệu hiện có theo dãy số thời gian từ năm 1951 đến 2019). Xu hướng cho thấy tốc độ tăng GDP tăng lên khi tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tăng lên. Khi tốc độ tăng NSLĐ tăng thêm 1 đơn vị thì tốc độ tăng GDP tăng thêm 0,83 đơn vị.
Một yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của một nền kinh tế là sự thay đổi công nghệ. Mô hình hàm sản xuất Cobb – Douglas cho biết các yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng GDP là tăng trưởng lao động, tăng trưởng vốn và tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Trong đó mũ hình nón trên các biến biểu thị tốc độ tăng trưởng; αt và βt lần lượt biểu thị độ co giãn của sản lượng Y đối với lao động L và vốn K; và TFP biểu thị những gì thường được hiểu là tốc độ tiến bộ công nghệ. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng = (Tốc độ tăng TFP / Tốc độ tăng đầu ra Y) x 100%.
Hình 6 cho thấy vốn là phần đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2017 tốc độ tăng GDP bình quân năm là 6%, đóng góp của vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng lần lượt là 57%, 10,7% và 32,3%. Những tiến bộ trong công nghệ tạo ra mức sản lượng tăng với cùng một đầu vào, giúp cải thiện năng suất.
Tăng trưởng kinh tế lâu dài được duy trì đến từ sự gia tăng năng suất của người lao động, điều này có nghĩa là chúng ta làm việc tốt như thế nào. Năng suất của người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vốn cố định, vốn nhân lực, vốn vật chất và công nghệ. Một cách để tăng năng suất của công nhân là đầu tư vào máy móc tốt hơn, ví dụ, một công nhân với công cụ năng suất cao hơn cho năng suất cao hơn.
Một cách khác để tăng năng suất là tìm cách tăng doanh thu của sản phẩm do công nhân tạo ra. Vì năng suất được đo bằng đơn vị tiền tệ trên mỗi công nhân, việc có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ cùng một sản phẩm được phản ánh trong việc tăng năng suất của công nhân. Theo thời gian, khi năng suất của công nhân tăng thì chất lượng và số lượng hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng. Khi một xã hội đầu tư vào vốn nhân lực, nó làm tăng năng suất của người lao động và tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng năng suất lao động ở cấp độ tổng hợp có thể được phân tách thành các tác động của việc tăng cường độ vốn (được đo bằng đầu vào vốn trên mỗi lao động), điều này phản ánh sự thay thế vốn - lao động và TFP. Nói cách khác, những yếu tố này là chìa khóa trong việc thúc đẩy năng suất lao động. Tăng Năng suất lao động = Tăng cường độ vốn + Tăng TFP.
Tăng năng suất lao động của doanh nghiệp hay năng suất nội ngành hoặc thay đổi cơ cấu kinh tế đều là kết quả của việc tăng cường đầu tư trang bị vốn trên lao động hoặc tăng TFP. Trong đó, tăng TFP là yếu tố chất lượng, và tất nhiên là quan trọng hơn vì tăng TFP phản ánh tập trung nhất hiệu quả sử dụng yếu tố đầu vào vốn và lao động, do vậy, tăng trưởng kinh tế dựa trên tăng TFP thì tăng trưởng mới có chất lượng, và tăng trưởng mới đảm bảo phát triển bền vững.
Thông qua dữ liệu của các yếu tố góp phần vào tăng năng suất lao động (Hình 7), tăng trưởng năng suất lao động chủ yếu được đóng góp bằng tăng cường trang bị vốn trên lao động. Trong giai đoạn 2010-2017 tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm là 5,4%, vốn đóng góp 80,6% vào tốc độ tăng NSLĐ, trong khi TFP đóng góp 19,4%. Để tăng NSLĐ cao hơn, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp TFP hơn nữa.
Đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững hơn, thách thức đặt ra với Việt Nam là quá trình quá độ sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào tăng trưởng năng suất nhanh chóng, đổi mới, gia tăng giá trị cao và thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế để mang lại nhiều công ăn việc làm cho phần lớn người dân Việt Nam.
Nhận thức rõ thách thức này, Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội (2010-2020) và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm của Việt Nam, cụ thể là các kế hoạch cho giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020 đã nêu bật tầm quan trọng của công nghiệp hóa cũng như gia tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của quốc gia. Trong chín chỉ tiêu kinh tế của Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2016-2020, có hai chỉ tiêu là gia tăng sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chung và đạt mức tăng năng suất lao động trung bình hàng năm là 5%.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động cần phải chú trọng đầu tư theo chiều sâu cho các ngành, các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đổi mới công tác quản lý, cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam phải đặc biệt đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ, vì nhờ có đổi mới sáng tạo, tăng cường tiến bộ khoa học và công nghệ mới thay đổi được cách thức làm việc, mới có thể làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới hơn với chất lượng và giá trị cao hơn; nhờ có đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo mới có thể đảm nhận được những phần công việc, công đoạn của quá trình sản xuất khó hơn có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo ra tốc độ tăng TFP cao hơn và năng suất lao động lớn hơn.
Tăng cường ở cấp độ doanh nghiệp hoạt động năng suất và đổi mới, đạt được với khối lượng quan trọng, có thể tạo ra sức lan tỏa quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Đây được coi là yếu tố quyết định quan trọng của năng lực cạnh tranh quốc gia để Nền kinh tế chuyển từ giai đoạn Nền kinh tế dựa vào đầu tư sang Nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo – Nền kinh tế tri thức.
TS. Phạm Đăng Quyết
Hội Thống kê Việt Nam
Theo http://vietq.vn/