Theo nghiên cứu của UNDP, tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân nội địa trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam là tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác. Dù đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước trong những năm qua đã tăng cao so với những năm trước, nhưng chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển.
Trong thời điểm hiện tại, lĩnh vực này được coi là động lực tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy đầu tư để khu vực này trở thành động lực chính cho phát triển là một ưu tiên hàng đầu. Điều rất cần vào lúc này là “bàn tay kiến thiết” của Nhà nước nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN).
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, ngay từ năm 2011 khi thực hiện Cương lĩnh của Đảng về xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hóa hiện đại hóa, các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực của kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Với mục tiêu từ nay đến năm 2030 là xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xóa dần ranh giới về DN tư nhân và DNNN.
Lúc này Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho DN để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính.
Nhiều luật quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… đã được sửa đổi, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển. Sự đổi mới trong Luật DN và Luật Đầu tư 2014 là một bước thể chế hóa quan điểm của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN, khẳng định người dân và DN được tự do đầu tư kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh theo quy định của luật.
Cùng với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển DNNN, các đạo luật đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào DNNN để dần thay thế phần vốn Nhà nước trong DN hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được. Mục tiêu là phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này, đồng thời gắn với nâng cao năng suất lao động và ứng dựng khoa học công nghệ, ông Kiên cho biết thêm.
Ngay sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW (về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa) được ban hành, đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến khẳng định, đến nay, vai trò của kinh tế tư nhân chưa phát huy đầy đủ do những yếu tố cản trở tự thân và bất cập trong quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế này. Thực tế, những “đại gia” đang nhận được nhiều ưu ái, trong khi DN nhỏ và yếu thế thường bị phân biệt đối xử về nhiều mặt.
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nam Thái Sơn nhiều lần chia sẻ, sở dĩ DN tư nhân không lớn lên được, ngoài những nguyên nhân khách quan còn do tự thân các DN thiếu sự liên kết nên không làm nên sức mạnh cộng hưởng.
Thị trường đang xuất hiện phổ biến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, DN lớn “đàn áp” DN nhỏ, thông qua việc chèn ép hoặc tự ý cắt giảm giá trị các hợp đồng rất trắng trợn và gần như không có bất cứ một sự thỏa thuận nào. DN nào chấp nhận thì tiếp tục để có nguồn thu, còn không thì “nghỉ chơi”! Đây chính là hệ quả của việc đầu tư theo phong trào, thiếu sản phẩm và công nghệ riêng biệt, tự cạnh tranh không lành mạnh nên không mang lại hiệu quả. Bản thân các DN cũng chưa xây dựng được hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để giữ sân chơi và bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Chuyên gia kinh tế Trương Trọng Nghĩa cho biết, sự liên kết phải đặt trong mối quan hệ sâu rộng hơn, là liên kết giữa Nhà nước với DN, giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng và dẫn dắt các DN trong hợp tác quốc tế, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu DN. Nhà nước cần chặt đứt quan hệ thân hữu, sự phân phối nguồn lực không cân bằng.
Còn các DN có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đó, DN phải tuân thủ theo 3 quy tắc: Sự tự tôn dân tộc; đạo đức kinh doanh; tôn trọng pháp luật. Liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập.
Như vậy, để phát triển kinh tế tư nhân cần tập trung vào nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, bao gồm:
1/ Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
2/ Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
3/ Tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực.
4/ Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
5/ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.