Ở các nước, mối quan hệ giữa các trường đại học với doanh nghiệp luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau từ các ý tưởng, sáng chế đến ứng dụng và ra sản phẩm. Tại Việt Nam, mối quan hệ này trên thực tế còn rất mờ nhạt. Dù các trường đại học có nhiều tiềm năng, nhiều công trình nghiên cứu nhưng ứng dụng vào thực tiễn còn rất ít. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học, vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ, từ đó đề xuất giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” giữa nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.
Thực trạng hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học
Hoạt động nghiên cứu khoa học
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có khoảng 700 trường đại học (ĐH), học viện, cao đẳng. Năm học 2017 – 2018, tổng số giảng viên là 74.991 người, trong đó có: 719 giáo sư, 4.533 phó giáo sư, 20.198 tiến sĩ, 44.434 thạc sĩ.
Khảo sát từ 142/271 trường ĐH và các viện cho thấy, trong các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu và hơn 1.413 tổ chức khoa học, các trường ĐH đang có những đóng góp lớn vào thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) những năm qua. Các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường ĐH đã có những đóng góp tích cực, không chỉ phục vụ công tác giảng dạy, NCKH trong nhà trường mà còn đáp ứng nhu cầu mà xã hội và nền kinh tế đòi hỏi như chế tạo các sản phẩm có chất lượng, chế tạo máy móc công cụ… để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, việc công bố các công trình nghiên cứu, bài báo NCKH của Việt Nam ra quốc tế cũng tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Khảo sát tại 30 trường ĐH hàng đầu Việt Nam của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Duy Tân cho thấy: Năm 2013, tổng các bài báo công bố quốc tế của cả Việt Nam là 2.309 bài. Giai đoạn từ năm 2017 đến cuối năm 2018, chỉ riêng các bài báo công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam đã đạt 10.515 bài (hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011 - 2015 là 10.034 bài). Sự gia tăng công bố các công trình nghiên cứu ra quốc tế cũng tỷ lệ thuận với gia tăng các nhóm nghiên cứu từ các trường ĐH. 80% các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ nhờ trưởng thành từ các nhóm nghiên cứu nên khi bảo vệ luận án tiến sỹ đều đã có bài báo trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISI; 65,3% các giảng viên tham gia nhóm nghiên cứu được khảo sát đều có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISI/SCPUS.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, kết quả khảo sát cũng cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể: Có đến 37,5% giảng viên trong 30 trường khảo sát chưa có công bố quốc tế ISI/SCPUS; 55% cho rằng kinh phí và nguồn lực cho đề tài còn thấp và cấp chậm; 2,2% trả lời không có nhu cầu tham gia nhóm nghiên cứu, 15,7% chưa rõ lợi ích tham gia nhóm nghiên cứu.
Về chuyển giao KHCN, các trường ĐH Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực chuyển giao KHCN, nhưng thực tế còn nhiều thách thức đặt ra điển hình như:
Chuyển giao công nghệ theo loại hình dịch vụ
Số liệu thống kê về hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2016, tại 700 đối tượng liên quan đến các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ (CGCN) trong nước cho thấy: Nếu xét theo loại hình dịch vụ CGCN mà các đơn vị trung gian cung cấp, thì môi giới CGCN là loại hình dịch vụ có nhiều đơn vị cung cấp nhất với 78,6%; tiếp đến là dịch vụ tư vấn CGCN 75%; dịch vụ xúc tiến CGCN là 64,3%. Trong khi đó, số lượng đơn vị trung gian có thể cung cấp dịch vụ giám định công nghệ là rất ít, chỉ 25% số đơn vị. Nhu cầu của thị trường với dịch vụ CGCN xuất phát từ nhu cầu CGCN và nhận thức ngày càng cao của bên giao và bên nhận công nghệ về vai trò của các loại hình dịch vụ CGCN.
Nhìn chung, dịch vụ CGCN ở nước ta đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hình thành và phát triển. Quy mô các đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN còn nhỏ, thiếu các trung tâm dịch vụ CGCN lớn và uy tín; điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chưa đảm bảo; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp... Đặc biệt, vẫn thiếu các hình thức liên kết thành những mạng lưới... Chính sự thiếu liên kết này đã gây ra những lãng phí đáng tiếc, ví dụ như lãng phí cơ sở dữ liệu thông tin từ các kho thông tin KHCN trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá, giám định công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành còn thiếu và yếu. Việc nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho dịch vụ CGCN không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức cũng là những thách thức không nhỏ cho việc phát triển nền KHCN nước nhà.
Việc quản lý đối với các dịch vụ CGCN còn nhiều rào cản pháp lý như: Thiếu các văn bản dưới luật điều chỉnh về các dịch vụ CGCN; Luật CGCN 2006 đã xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình thực hiện; chưa có các kênh giải quyết chính sách và quản lý hiệu quả các tranh chấp liên quan đến dịch vụ CGCN; chưa có các bảo đảm pháp lý cho các chủ thể tham gia dịch vụ CGCN; Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến CGCN chưa phù hợp, chưa đi vào cuộc sống.
Chuyển giao kết quả nghiên cứu và ứng dụng
Trong thời gian qua, việc áp dụng các tiến bộ KHCN đã có những đóng góp quan trọng bảo đảm cho công nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức 14%/năm. KHCN cũng đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện do nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Từ khâu giống, quy trình canh tác đến chế biến, bảo quản... đều có dấu ấn của KHCN.
Các trường ĐH có vai trò quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Những năm gần đây, các trường ĐH tại TP. Hồ Chí Minh chú trọng đẩy mạnh NCKH và xem đây là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều đề tài NCKH đi sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Nhờ hệ thống phòng nghiên cứu thí nghiệm tại Viện Công nghệ cao thuộc ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), nhóm sinh viên HUTECH đã thực hiện đề tài NCKH "Thu nhận bột đạm giàu astaxanthin từ phế liệu đầu tôm sú Penaeus Monodon bằng Alcalase LFG 2.41128 và Lipase L3126 kết hợp". Ðề tài này đã giành giải nhất cuộc thi sinh viên NCKH toàn quốc năm 2018 và được đánh giá là một nghiên cứu thiết thực, giúp tận dụng nguồn phế liệu đầu tôm sú đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau 10 năm nghiên cứu và phát triển, Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ÐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã cho ra đời sản phẩm Cartilatist - sản phẩm dạng thuốc (thuốc tế bào) đầu tiên ở Việt Nam. Sản phẩm này đã được chuyển giao độc quyền cho Công ty TNHH Bệnh viện Ða khoa Vạn Hạnh phát triển sản phẩm, sản xuất và thương mại hóa từ tháng 8/2018 tại Việt Nam và các quốc gia ASEAN để điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống.
Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là một trường ĐH tiêu biểu trong việc tham gia đào tạo nhân lực cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu từ chuyển giao công nghệ của Nhà trường đạt 70 tỷ đồng với khoảng 30-40 hợp đồng mỗi năm. Tại sự kiện Techfest tổ chức ở Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, dự án khởi nghiệp được giải nhất là thuốc viên chữa đau dạ dày Anti – HPPro (được chiết xuất từ lá khôi, lá bồ đề, chè dây). Nhà trường đã đăng ký sở hữu trí tuệ và quảng bá ở các triển lãm, hội chợ cùng với nhóm nghiên cứu.
Một số hạn chế và nguyên nhân
Qua quan sát cho thấy, việc áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức KHCN nói chung và các trường ĐH nói riêng tại Việt Nam vào sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 5 - 10% số đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Khoảng 10% số đề tài có tiềm năng đưa vào sản xuất, kinh doanh, song do một số nguyên nhân, kết quả của các đề tài này chưa thể áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là hiệu quả ứng dụng của các đề tài nghiên cứu KHCN. Có những đề tài sau khi ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều lần so với đầu tư ban đầu của Nhà nước. Song, có không ít nghiên cứu khi ứng dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích kinh tế rất thấp so với kinh phí đầu tư cho đề tài. Nguyên nhân là do hoạt động nghiên cứu KHCN nói chung tại các trường ĐH còn vướng phải nhiều rào cản, quy định.
Hiện nay, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào NCKH cũng chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa nhà trường với DN để tạo đầu ra cho nghiên cứu. Mặt khác, đội ngũ giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, do vậy, hầu hết giảng viên đều chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài nghiên cứu. Cùng với đó, kinh phí cho các đề tài NCKH còn thấp so với bình quân các nước, cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động KHCN…
Giải pháp khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ từ các trường đại học
Để đẩy mạnh việc chuyển giao KHCN từ các trường ĐH đến với các DN và ứng dụng vào thực tiễn, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, mỗi lĩnh vực nghiên cứu cần có những chính sách khác nhau. Ví dụ, với nghiên cứu về khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật thì trang thiết bị phục vụ nghiên cứu là cực kỳ quan trọng. Do đó, các chính sách đầu tư phải hợp lý chứ không thể cào bằng dẫn đến lãng phí, hiệu quả không cao.
Thứ hai, khắc phục tình trạng “bổ đầu” cho các trường ĐH. Hiện nay, đầu tư cho NCKH trong các trường ĐH vẫn là “bổ đầu” nên không phát huy được thế mạnh của các trường. Vấn đề đặt ra là cần có 1 quỹ chung của cả nước, dành riêng cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên nhất định. Quỹ này nên do hội đồng quỹ quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, do các nhà khoa học điều hành, hoạt động theo tiêu chí đã ban hành.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn với DN hướng tới tự chủ đại học dựa vào KHCN. Theo đó, cần đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động KHCN và đào tạo của nhà trường hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu, hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn tại các DN và địa phương.
Luật Sở hữu Trí tuệ đã rất cởi mở nhưng thực tiễn vẫn còn vướng ở tư duy nhà quản lý các cơ sở đào tạo, thường xem các sản phẩm nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách hoặc cơ sở vật chất của trường (Nhà nước) là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Việc sở hữu trí tuệ với các đề tài NCKH trong các cơ sở đào tạo đã được ghi lại tường minh trong Luật Giáo dục Đại học sẽ là một cơ sở pháp lý tạo bước tiến mới để các nhà khoa học, các trường ĐH chủ động hơn trong khai thác thương mại các kết quả KHCN.
Thứ tư, cần có thêm các chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích các nhà nghiên cứu. Cụ thể, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ NCKH. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ NCKH dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong NCKH và cải tiến kỹ thuật. Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban chấp hành TW khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam;
2. Nguyễn Vân Anh, Lê Vũ Toàn, Đàm Quang (2012), Bàn về thuật ngữ “Thị trường khoa học”, “Thị trường công nghệ” và “Thị trường Khoa học và Công nghệ”. Tạp chí Hoạt động Khoa học số 641, tr. 50 – 54;
3. Ngọc Quỳnh, Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Chưa kịp với yêu cầu phát triển;
4. "Điểm nghẽn” của nghiên cứu khoa học trong trường đại học Việt Nam - Vietnamnet.vn - 29/7/2017;
5. Nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo http://tapchitaichinh.vn