Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Facebook tổ chức.

Diễn đàn hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do VCCI phối hợp với Facebook tổ chức.

Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội đã và đang giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về mặt bằng, chi phí quảng cáo, đồng thời lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng đến nhiều đối tượng khách hàng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các ứng dụng công nghệ số để phát triển, đồng thời giảm thiểu chi phí logistics và giao dịch, trong đó mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này khiến DNNVV ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Ngoài ra, rào cản lớn đối với các DNNVV là chi phí về công nghệ có nơi còn cao; sự hiểu biết về thương mại điện tử của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp.

Để vượt qua thách thức này, Chính phủ đã đẩy mạnh việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc. Các doanh nghiệp cùng ngành hàng phải liên kết với nhau để phát huy lợi thế từng doanh nghiệp và nâng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Về chiều dọc, doanh nghiệp phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cấp công nghệ.

Theo đánh giá của Facebook, hiện có 53 triệu người Việt Nam sử dụng facebook tích cực hàng tháng, trong đó 96% người dùng vào facebook bằng smartphone, 68% người Việt Nam có liên kết với 1 trang về doanh nghiệp, buôn bán hàng trên facebook. Những con số trên cho thấy, Facebook là kênh truyền thông tiềm năng cho doanh nghiệp.

Chỉa sẻ tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng thư ký VCCI cho biết: "Cách đây 12 năm, tôi đã tham gia diễn đàn tương tự như Diễn đàn hôm nay được tổ chức tại Nhật Bản. Khi đó, chuỗi giá trị toàn cầu còn rất xa lạ. Những khảo sát tại Diễn đàn này phân tích việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của 5 ngành: cơ khí, điện tử, phần mềm, ngành dụng cụ y tế và sản xuất phim. Tại thời điểm đó, dụng cụ y tế và sản xuất phim là hai ngành Việt Nam còn chưa có, báo cáo chỉ ra nước Anh đã làm phim như thế nào, cách làm phim dùng công nghệ số để mô phỏng trung tâm vũ trụ mang lại doanh thu hãng phim gần 300 triệu USD, phim Gralaxy".

 bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI).

Bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI).

“Rõ ràng câu chuyện chuỗi giá trị toàn cầu đang rất “nóng”. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang đứng trước ngã ba của chuỗi giá trị toàn cầu, chưa biết đi đâu về đâu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số. Nếu biết sử dụng công nghệ số sẽ nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, khi đó doanh nghiệp mới biết mình phải làm gì”, bà Hằng nhận định. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự hiểu về giá trị, cấu thành, thậm chí “hình hài” và cách thức để tham gia vào chuỗi.

ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu, nhưng công tác hỗ trợ vẫn còn gặp những hạn chế. Thứ nhất, doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu đãi. Thứ hai, nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Khương nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Khương, cần chuyển từ cung cách quản lý sang phục vụ để khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Các chuyên gia tham gia Diễn đàn đều thống nhất ý kiến cho rằng, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về mặt bằng, chi phí quảng cáo mà còn giúp doanh nghiệp lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng đến nhiều đối tượng khách hàng với chi phí thấp và độ chính xác cao cho từng sản phẩm cụ thể, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh và lựa chọn công nghệ phù hợp.