Vì sao chiến lược kinh doanh hoàn hảo vẫn thất bại thảm hại?

Một chiến lược hoàn hảo cũng chưa chắc dẫn bạn đến thành công. Đó là sự thật hiển nhiên trong kinh doanh.

Một chiến lược tồi tệ chắc chắn sẽ dẫn tới sự thất bại. Một chiến lược hoàn hảo cũng chưa chắc dẫn bạn đến thành công. Đó là sự thật hiển nhiên trong kinh doanh. Rất dễ dàng để nhận diện một chiến lược kinh doanh tồi và phân tích các yếu tố sẽ dẫn đến thất bại trong chiến lược đó. Nhưng không phải ai cũng lý giải được tại sao một chiến lược kinh doanh tốt vẫn cực kỳ thê thảm khi triển khai.

 

Bất kể bạn có cái nhìn như thế nào thì một chiến lược kinh doanh tốt dường như là chìa khóa để thành công. Có thể kết quả không đúng hoàn toàn với mong đợi của bạn nhưng cũng đạt được phần nào đó. Thế nhưng, trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã thất bại thảm hại dù có một kế hoạch kinh doanh cực kỳ tuyệt vời. Những sai lầm điển hình trong việc triển khai và thực hiện dưới đây chính là câu trả lời cho vấn đề này.

1. Phớt lờ hoặc bỏ qua các dữ liệu

Một chiến lược kinh doanh tốt sẽ phác thảo ra các chỉ số một cách cụ thể và đo lường được. Những chỉ số này vô cùng hữu ích trong việc giúp bạn theo dõi tiến trình thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu. Nhưng đưa những dữ liệu này vào kế hoạch của bạn và thực sự biết cách sử dụng chúng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã vạch ra các mục tiêu cụ thể cho chiến lược kinh doanh và đưa ra những số liệu tương ứng với từng mục tiêu. Đừng phớt lờ hay bỏ qua những dữ liệu cực kỳ quan trọng này. Hãy thiết lập các quy trình phân tích định kỳ, đồng thời sử dụng kết quả phân tích này và các dữ liệu ban đầu đã vạch ra để điều chỉnh kế hoạch chiến lược của bạn khi cần thiết.

2. Bỏ qua tất cả, chỉ tập trung cày "số"

Các con số tăng trưởng là một thước đo của sự thành công. Tuy nhiên, nếu bạn dành quá nhiều thời gian để những con số này tăng lên bằng mọi cách thì dù sự tăng trưởng là tích cực, bạn vẫn khó có được thành công thực sự. Bởi khi đó bạn rất dễ xa rời những giá trị cốt lõi và yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh.

Hãy nghĩ lại về các yếu tố định tính trong kế hoạch kinh doanh của bạn. Dành thời gian để xem xét liệu rằng những nỗ lực tăng trưởng hiện tại của bạn thực sự phù hợp với những mục tiêu đó không. Phân tích định tính này kết hợp với những dữ liệu về số sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh về việc kinh doanh của bạn.

3. Chỉ tập trung xây dựng chiến lược, không kiểm soát hoạt động cụ thể

Xây dựng tầm nhìn chiến lược là điều vô cùng cần thiết trong kinh doanh. Một chiến lược tốt sẽ giúp doanh nghiệp phát triển đúng định hướng đã đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp quá chú trọng vào việc tạo ra những thay đổi ở tầm chiến lược mà quên mất việc kiểm soát các hoạt động cụ thể trong quá trình thực hiện. Đó là một sai lầm cực kỳ lớn có thể dẫn doanh nghiệp tới sự thất bại.

Hãy thường xuyên theo dõi và kiểm tra quá trình thực hiện các hoạt động để chắc chắn rằng chúng vẫn diễn ra theo đúng định hướng và chiến lược của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn nắm bắt được tình hình kinh doanh thực tế mà còn có thể giúp bạn phát hiện các vấn đề trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời.

4. Không giải quyết được vấn đề thực sự

Trong quá trình kinh doanh, bất kì vấn đề gì cũng có thể xảy ra. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại bởi họ tập trung sửa những cái không cần sửa. Điều này khiến doanh nghiệp vừa tốn nhiều thời gian, chi phí, vừa không giải quyết được vấn đề thực sự. Đây cũng là một sai lầm điển hình khiến doanh nghiệp không thành công.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã khẳng định rằng: Chúng ta cần thực hiện nhiều thay đổi để đạt được mục tiêu nhưng không cần thiết phải tổ chức lại hoàn toàn cấu trúc và quy trình kinh doanh. Do đó, hãy xác định vấn đề thực sự và đưa ra những giải pháp tối ưu để giải quyết nó. Một khi những vấn đề thực sự được giải quyết, nó có thể thúc đẩy sự thay đổi lớn và mang lại thành công mà không cần đập tất cả đi để xây lại từ đầu.

5. Không có khả năng điều chỉnh

Trên thực tế, những người thành công hiếm khi tuân thủ 100% kế hoạch kinh doanh của họ, dù đó là kế hoạch được đánh giá cực kỳ tốt và hoàn hảo khi bắt đầu. Nhu cầu của khách hàng, hoạt động của đối thủ cạnh tranh và các yếu tố liên quan khác đều thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Những chiến lược kinh doanh tốt ở thời điểm này có thể sẽ không còn hiệu quả trong vài tháng tới.

Để thành công, doanh nghiệp cần dựa vào các dữ liệu định lượng và định tính thực tế để có sự điều chỉnh phù hợp. Những thay đổi này không phải sự thất bại mà đó chính là những cơ hội của doanh nghiệp. Trong một nền kinh tế đầy sự biến động như hiện nay, doanh nghiệp không có khả năng điều chỉnh đông nghĩa với việc doanh nghiệp đó không có khả năng để thành công.

Zalo: 0983 088 626